- Back to Home »
- Cẩm nang du học »
- Kinh nghiệm du học New Zealand
Posted by : admin
25 tháng 5, 2013
Bạn đang có kế hoạch cho việc du học tại New Zealand (NZ)? Bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống phải “đơn thương độc mã” nơi vùng đất hoàn toàn xa lạ này chưa? Dưới đây là một số kinh nghiệm từ một sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Auckland.
Ăn, ở: chuyện nhỏ
Chỉ với từ $9 NZ – $30 NZ các bạn SV không cần phải xem mì gói là người bạn thân nhất của mình nơi viễn xứ. Ngoài những món khá “dễ ăn” đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, bạn có thể không khó khi tìm mua gần như tất cả các sản vật và nguyên liệu cho bữa cơm quê nhà ngay tại khu chợ Silver Bell, chợ Tai Ping hay khu Otahuhu – nơi người Việt sinh sống. Nếu bạn không phải là “người của bếp núc” thì những quán ăn mang tên BBQ King được xem là chỗ “tủ”. Đây là quán của người Việt và Trung với những món như BBQ heo hay xá xíu, ngỗng quay, sườn nướng ăn kèm mì hoặc cơm, với giá khá “bèo” với chỉ $7 – $9 NZ bạn đã có một đĩa cơm to kềnh đủ nạp năng lượng cho một buổi chiều dài trong thư viện.
Với các tân SV mới sang NZ thì việc ở homestay (ở cùng nhà dân) từ 1 – 2 tháng là điều cần thiết một khi bạn chưa có bạn bè, người quen cũng như những hiểu biết nhất định về thành phố mới. Tuy với giá hơi cao (trên dưới $200NZ/tuần), song bạn không phải lo lắng về chỗ nghỉ ngơi, tất cả các khâu từ tiền điện, tiền nước, internet hay bất cứ khoản phụ thu nào từ chính quyền địa phương.
Nhưng ở homestay mãi cũng không phải là một cách tốt nếu muốn tích lũy kinh nghiệm sống bản thân. Bảng giá phòng trọ ở Auckland được phân rõ ràng, hợp lý và nhất quán: 1 phòng studio (nhỏ hơn cả phòng đơn) cho 1 người ở là khoảng $140NZ/tuần (bao cả tiền nước); 1 phòng đơn (gồm 1 bếp, 1 phòng ngủ với đầy đủ nội thất như bếp, giường, tủ, tủ lạnh, máy giặt…) là khoảng $150NZ – $180NZ/tuần (cả tiền nước); còn với 1 phòng đôi (1 bếp, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, đầy đủ nội thất) cũng chỉ từ $200NZ – $400NZ/tuần. Nhưng muốn tìm được phòng tốt mà rẻ nhất thì bạn phải khăn gói sang NZ ngay dịp sau tết hoặc sau hè. Một lựa chọn cuối cùng cho SV nếu không thích ở homestay nhưng cũng không tìm được phòng trọ vừa ý là vào ở trong KTX của trường. Với $178NZ/tuần cho một chỗ ở trong KTX (có diện tích tương đương với phòng studio bên ngoài), bạn không cần phải chi li tính toán các khoản tiền điện, nước, điện thoại bàn hay internet vào cuối tháng, thêm vào đó là những cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trau dồi anh ngữ với bạn bè… nhưng bù lại bạn phải dùng chung nhà bếp, phòng tắm, phòng khách với… 8 phòng khác. Hơn nữa, KTX nằm sát bên hông trường học, lại gần thư viện nên coi như bạn giảm bớt được nỗi lo về phương tiện đi lại cũng như sự lãng phí về mặt thời gian. Nhưng để giảm được đáng kể tiền thuê phòng mà vẫn được sinh hoạt một cách tiện nghi trong không khí thoáng mát với diện tích rộng rãi hơn, bạn nên tìm nhà ở những khu vực ngoài trung tâm. Đó là một mẹo nhỏ rất hữu ích nhưng phải đảm bảo là bạn đã tìm được sự quen thuộc với môi trường sống ở đây để có thể đối mặt với những khó khăn ngoại cảnh.
Tự lập ngay cả trong việc học
Tại các trường ở NZ , sinh viên (SV) có rất ít thời gian lên lớp (chỉ 14 – 16 giờ/tuần) nên “gánh nặng” bài vở hầu như dồn cả vào việc tự học. Với vài luận văn, báo cáo cho mỗi môn học, SV thường phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau: báo chí, internet, thư viện trường… Mặc dù mỗi SV phải tự mình hoàn tất đề tài của bản thân, nhưng cách phải tự chịu trách nhiệm phần việc của mình trong một môi trường làm việc với nhiều người rất được khuyến khích ở trường.
Cách học riêng rẽ, thụ động và “mọt sách” không được hoan nghênh tại NZ. Tuy thế, ngay cả bản thân tôi, việc học nhóm đôi khi là một điều rất khó thích nghi bởi chính sự e dè, kín đáo và một chút sự tự ti “rất Việt” của mình. Một điều cực kỳ quan trọng mà tất cả các bạn SV phải luôn ghi nhớ khi học tập tại đây chính là việc chú thích tên tác giả các tài liệu khi trích dẫn trong bài viết của mình. Bởi dù vô tình hay cố ý thì việc không kèm theo danh sách tác giả trong bài viết, bạn cũng bị xem đã mắc phải trọng tội vì vi phạm luật bản quyền – một việc tưởng đơn giản nhưng đã đủ để có thể bị đuổi khỏi trường ngay lập tức. Phải thật chú ý để không phải “về nước sớm” chỉ vì sự thiếu hiểu biết luật lệ bản xứ.
H.A (ghi theo sinh viên Hà Hồng Nhung từ New Zealand)
Mỹ Ngọc (Sưu tầm)