Posted by : admin 10 tháng 6, 2013



Tôi vẫn đang ở những năm tuổi hai mươi của đời mình, tuy nhiên tôi đã cố gắng tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện. Tổ chức truyền giáo phi lợi nhuận của tôi (tổ chức mang tên Life Without Limbs) và tổ chức quảng bá DVD của những cuộc diễn thuyết khích lệ tinh thần mà tôi thực hiện (tổ chức Attitude is Attitude) đã đưa tôi đi vòng quanh thế giới để phục vụ và giúp đỡ mọi người. Trong bảy năm trở lại đây tôi đã diễn thuyết trước hơn bốn triệu người, mỗi năm thực hiện hai trăm bảy mươi cuộc diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới ở bốn mươi ba quốc gia.



Ấy vậy mà vào tháng mười hai năm 2010 tôi lại lâm vào thế bế tắc.


Đôi khi, có vẻ như cuộc sống đang trôi chảy và bạn đang chạy với tốc độ tối đa trên đường đời thì một chướng ngại vật bỗng hiện ra và thế là “rầm” một cái! Điều tiếp theo bạn biết là gia đình, bạn bè tập trung quanh giường của bạn, vuốt tóc bạn, vỗ vai bạn, an ủi bạn rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.


Bạn đã từng trải qua hoàn cảnh đó rồi đúng không? Có thể ngay lúc này bạn đang ở trong hoàn cảnh đó, phải nằm trên giường bệnh và trải qua cái cảm giác giống như một ca khúc nhạc blue đã nói tới: “Chìm đắm thiệt sâu khiến mọi thứ như thể càng cao và xa vời hơn”.

Tôi biết rõ cái cảm giác đó. Thực ra trong các buổi diễn thuyết của mình, tôi thường khuyến khích các khán giả làm bất cứ điều gì cần phải làm để đấu tranh với nghịch cảnh bằng cách cho họ thấy phương pháp đứng dậy từ tư thế nằm của một người không có chân tay.

Tôi nằm sấp xuống và sau đó tôi áp dụng cách tì trán để nâng người lên từng tí, từng tí một cho đến khi tôi dựng được người dậy. Sau đó tôi nói với khán giả rằng dù ở trong những hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ dường như không có cách nào hết, thực tế vẫn luôn có cách. Trong nhiều năm tôi đã luyện cho cổ, vai và cơ ngực của mình rất khỏe nhờ việc đứng dậy theo cách đó.

Dẫu vậy có những lúc tôi đã phải đấu tranh rất vất vả để gượng dậy sau thất bại. Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó khăn lớn về tài chính, mất việc làm, một mối quan hệ tan vỡ, hoặc mất người thân có thể rất khó chịu đựng và khó vượt qua đối với bất cứ người nào.

Ngay cả những thách thức tưởng chừng không lớn cũng có thể lấn át bạn nếu như bạn đang bị tổn thương hoặc dễ bị tổn thương. Nếu bạn nhận thấy mình đang đấu tranh vất vả hơn bình thường trước một thách thức, thì kế hoạch gượng dậy mà tôi khuyên bạn là hãy hướng về những người quan tâm đến bạn bằng lòng biết ơn, hãy kiên nhẫn với những tình cảm mềm yếu của bạn, hãy cố gắng hết sức để hiểu tình hình thực tế giữa lúc các cảm xúc đang chi phối bạn, và hãy biến niềm tin thành hành động.

Dù hoàn cảnh bạn đang phải đối mặt có khó khăn đến mức nào, bạn hãy nhích lên từng bước, từng bước một, từng ngày, từng ngày, và hãy luôn nhớ rằng bạn sẽ học được những bài học quý giá và sẽ rèn luyện bản thân thêm mạnh mẽ qua mỗi thử thách.

Bạn sẽ có một cảm giác bình yên khi nhận thức rằng có một kế hoạch tổng thể dành cho cuộc đời của bạn, rằng giá trị của bạn, mục đích của bạn, số phận của bạn không được quyết định bởi những gì xảy ra với bạn mà bởi cách bạn đương đầu với những gì xảy ra với bạn.

Hãy huy động nguồn sức mạnh
Cách tôi biến niềm tin thành hành động vào những lúc tôi gặp khủng hoảng có ba điểm đáng lưu ý mà tôi rút ra đây và mong muốn gửi đến bạn. Thứ nhất, bạn cần phải có những điều chỉnh từ bên trong nhằm kiểm soát những cảm xúc để chúng không điều khiển bạn. Điều này cho phép bạn kiểm soát cuộc sống của mình và đương đầu với thách thức một cách có suy nghĩ. Thứ hai, hãy nhắc nhở chính mình rằng trong quá khứ bạn đã bền lòng vững chí vượt qua nghịch cảnh như thế nào, và bạn đã vượt qua thách thức để thấy mình mạnh mẽ và khôn ngoan hơn ra sao. Thứ ba, hãy biến niềm tin thành hành động cụ thể bằng cách đến với những người khác, không phải chỉ để tìm kiếm sự giúp đỡ và khích lệ từ họ mà còn để giúp đỡ và khuyến khích họ. Đó là bởi vì có một sức mạnh hàn gắn lớn lao trong cả việc nhận và cho.

Khủng hoảng xảy ra với tôi gần đây đã khiến tôi lảo đảo trong một thời gian dài, dài hơn bất cứ lần khủng hoảng nào đã từng xảy ra từ khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Trải nghiệm đó một lần nữa nhắc tôi nhớ rằng chỉ có niềm tin thôi thì chưa đủ: bạn phải sống với niềm tin của mình bằng cách biến nó thành hành động mỗi ngày và mọi ngày.

Tôi sẽ trải lòng với bạn, kể về phản ứng ban đầu của tôi trước hoàn cảnh khó khăn như một ví dụ hữu ích về một tấm gương tồi. Tôi kể về nỗi đau của tôi để bạn biết mà tránh nó. Nhưng bạn phải hứa với tôi rằng bạn sẽ ghi nhớ bài học này bằng tim, bởi vì không dễ để ghi lại bài học này bằng ngôn từ. Được không, bạn yêu quý?

Dù tôi không muốn bất cứ ai phải đương đầu với khó khăn, tôi vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng khó khăn thách thức là một phần của cuộc sống. Tôi muốn tin rằng những rủi ro, gian khó đặt ra trong cuộc sống của tôi đều có mục đích dạy tôi những điều quan trọng về bản thân, chẳng hạn như sức mạnh của tính cách và sự sâu sắc của niềm tin.

Có lẽ bạn đã từng trải qua những khó khăn thử thách, và tôi dám chắc rằng qua đó bạn đã học được những bài học quý giá. Những khủng hoảng trong đời sống tình cảm, trong sự nghiệp, hoặc những cuộc khủng hoảng về tài chính là những khó khăn thường thấy và thật khó để chúng ta phục hồi cảm xúc sau đó. Nhưng nếu bạn coi khó khăn là cơ hội để học hỏi, để trưởng thành, thì có thể bạn sẽ phục hồi nhanh hơn và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nếu sau một khoảng thời gian đáng kể mà nỗi thất vọng trong bạn không vơi đi, hoặc nếu bạn cảm thấy chán nản, tuyệt vọng trong một thời gian dài, thì tôi khuyên bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ở một người nào đó mà bạn tin cậy hoặc từ một chuyên gia tâm lý. Một số dạng chấn thương về tinh thần đòi hỏi sự giúp đỡ của các chuyên gia, và bạn chẳng có gì phải xấu hổ và e ngại về điều đó. Hàng triệu người đã thoát khỏi chứng trầm cảm đáng ngại nhờ cách này.

Nỗi buồn rầu, tuyệt vọng, đau khổ ghê gớm nảy sinh trong những lúc khó khăn hoặc bi kịch có thể tấn công bất cứ ai. Những sự việc gây căng thẳng đột ngột ập tới có thể khiến chúng ta cảm thấy mình bị áp đảo, bị tấn công, bị tổn thương và mất mát về mặt cảm xúc. Điều quan trọng là trong những tình huống đó bạn đừng tự cô lập mình.

Hãy cho phép gia đình và bạn bè an ủi bạn. Hãy kiên nhẫn với họ và với chính mình. Cần phải có thời gian để các vết thương lành lại. Rất ít người có thể “khiến người khác mau chóng thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực để trở lại trạng thái bình thường”, vì vậy bạn đừng mong được quá nhiều về điều đó. Tốt hơn bạn nên biết rằng bạn phải hành động để hàn gắn vết thương. Đó không phải là một quá trình thụ động. Bạn phải huy động bất cứ sức mạnh nào bạn có, trong đó có sức mạnh ý chí và sức mạnh của niềm tin.

Chữa lành những vết thương cũ


Khi bạn nhận thấy mình ở trong trạng thái căng thẳng quá mức, hoặc quá xúc động và gần như bị tê liệt bởi một điều không mong muốn đã xảy ra, việc tách riêng chuyện đã xảy ra khỏi những gì đang diễn ra trong bạn là rất quan trọng.


Tất cả chúng ta đều mang những vết sẹo về tinh thần từ những trải nghiệm trong quá khứ. Đôi khi những vết sẹo đó là những vết thương chưa lành hẳn, vậy nên khi bạn gặp khó khăn thử thách, những vết thương cũ có thể sẽ tái phát. Nỗi đau rất sâu mà bạn cảm thấy có thể cộng hưởng với những vết thương trong quá khứ và làm cho nó trở nên trầm trọng hơn.

Nếu cảm thấy mình đang phản ứng một cách quá thái quá trước một tình huống xấu, hoặc nếu cảm thấy mình bị lấn át và không thể đương đầu trước tình huống không mong muốn thì bạn nên hỏi bản thân câu hỏi này: Tại sao chuyện này lại làm mình tổn thương ghê gớm đến như vậy? Phải chăng mình phản ứng theo cách này là bởi vì nó chạm đến những gì đã từng xảy ra trong quá khứ?

Tôi đã được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phân tích các cảm xúc của mình và tác động của nó đối với hành động của tôi vào cuối năm 2010. Nhìn lại thời điểm đó, giờ đây tôi thấy rằng chuyện không mong muốn mà tôi gặp phải thực sự không phải là một tai họa. Dường như tôi cho nó là tai họa bởi vì khi ấy tôi đang mệt mỏi về tinh thần và cảm xúc do làm việc quá nhiều và đi đây đi đó liên miên.

Lần đầu tiên kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp, một công ty của tôi gặp khó khăn thực sự về tài chính. Thách thức mà tôi phải đương đầu nảy sinh từ công ty Attitude Is Altitude, công ty tổ chức các cuộc diễn thuyết khích lệ tinh thần mà tôi thực hiện và phân phối DVD của các cuộc diễn thuyết đó. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhu cầu về những sản phẩm của công ty tăng lên, vì vậy tôi tuyển thêm nhân viên và mở rộng hoạt động của công ty.

Tôi cứ nghĩ công ty đang hoạt động tốt, vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi được báo rằng công ty đang gặp khó khăn về tiền lương cho nhân viên cũng như về việc thanh toán các hóa đơn. Công ty vẫn hoạt động tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng có những khách hàng lớn nợ tiền mua DVD và nợ tôi tiền thù lao của các buổi diễn thuyết, chậm thanh toán hoặc không trả đồng nào. Các khoản tiền chúng tôi trông đợi không đến, và đó là một phần lớn của vấn đề.

Một yếu tố quan trọng khác của vấn đề chính là cái gã cứng đầu mang tên Nick Vujicic. Từ lâu tôi đã muốn làm một video ca nhạc như một sản phẩm khích lệ tinh thần để đưa ra thị trường. Khi mọi việc của chúng tôi phát triển tốt và cuốn sách đầu tay của tôi lọt vào danh sách bán chạy trên khắp thế giới, tôi cảm thấy rất lạc quan về tương lai. Vậy nên tôi quyết định sản xuất video ca nhạc như một sản phẩm của công ty Attitude Is Altitude.

Đã thiếu tiền mặt mà lại còn phải chi cho việc làm video ca nhạc, công ty của chúng tôi mang nợ tới năm mươi nghìn USD. Chúng tôi đang chạy với vận tốc 150 km/giờ bỗng nhiên tôi phải đạp phanh. Không phải là tôi cường điệu đâu nhé. Chúng tôi có mười bảy dự án đang được triển khai và tôi phải hoãn hoặc hủy bỏ gần như tất cả những dự án đó.

Tôi nói với các nhân viên rằng chúng tôi phải cắt giảm hoạt động của công ty để tồn tại. Những vấn đề như vậy thường xảy ra với những công ty phát triển quá nóng, đặc biệt khi nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, trong lòng tôi không chấp nhận điều này. Cảm giác hối hận nổi lên. Tôi đã quá tập trung vào việc thực hiện mục đích khích lệ tinh thần và truyền giáo cho mọi người trên khắp thế giới đến nỗi tôi phải nếm mùi thất bại vì làm quá sức mình. Tôi có khả năng và có ý tưởng tốt không có nghĩa là việc chọn thời điểm của tôi hợp lý.

Khi biết công ty rơi vào cảnh nợ nần, tôi bị dày vò bởi cảm giác rằng tôi đã làm cho tất cả những người làm việc cho mình, những người tin tưởng mình thất vọng. Tuy nhiên, mức độ thất vọng của tôi mau chóng vượt trên cả mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi cảm thấy mệt rã rời đến mức hầu như không thể làm việc được, và tình trạng đó không chỉ diễn ra một hoặc hai ngày.

Cảm giác thất vọng ghê gớm của tôi kéo dài tận hơn một tháng trời. Phải mất thêm hai tháng nữa tôi mới hoàn toàn thoát khỏi bóng tối ấy. Tôi đánh mất sự tự tin, và tôi rất buồn khi phải thú nhận điều đó. Tôi nuôi cảm giác thất vọng và choáng váng thường trực. Tôi rơi vào tình trạng yếu đuối và bất an mà khi còn nhỏ tôi đã từng trải nghiệm. Tôi không thể gạt bỏ những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu mình. Tôi tự hỏi phải chăng tôi đã lạc quá xa khỏi những kế hoạch mà Chúa dành cho tôi?

Giờ đây tôi là ai mà còn dám đưa ra lời khuyên, mang đến sự khích lệ và dẫn dắt tinh thần cho mọi người trên khắp thế giới? Nếu tôi không phải là một diễn giả và một nhà truyền giáo, thì tôi có thể là gì? Tôi còn có giá trị gì chứ? Cảm giác bất an tồi tệ nhất của thời thơ ấu sống dậy trong tôi. Những vấn đề về tài chính, những vấn đề thực ra chỉ là sự thiếu tiền mặt trong một giai đoạn ngắn thôi, đã đánh thức những nỗi sợ hãi của tôi trong quá khứ, nỗi sợ trở thành gánh nặng cho cha mẹ và các em của mình.

Như bạn có thể hình dung, khi tôi chuyển đến sống ở Mỹ một mình ở tuổi hai mươi bốn, cha mẹ tôi đã thực sự lo lắng. Khi ấy tôi quyết tâm chứng minh khả năng sống độc lập của mình và quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà truyền giáo, một diễn giả quốc tế. Cho đến lúc gặp khủng hoảng về tài chính, tôi đã đi được một chặng dài trên con đường thực hiện ước mơ và đã chứng minh khả năng sống độc lập của mình.

Thực ra cha mẹ tôi đã quyết định chuyển sang Mỹ để cha tôi, một kế toán có kinh nghiệm trong việc quản lý sổ sách, có thể giúp đỡ tôi trong công việc. Việc khó khăn nhất mà tôi phải làm sau khi biết về những khó khăn tài chính của công ty Attitude Is Altitude là gọi điện cho cha tôi và nói với ông rằng công ty mà ông sắp gia nhập đang rơi vào cảnh nợ nần.

Cha tôi đã quyết định chuyển sang Mỹ sống mà không hề biết rằng tình cảnh ông sắp phải đối mặt là như thế nào. Tôi rất bối rối. Tôi cảm thấy mình đã làm cha thất vọng. Tôi luôn mơ mộng và bốc đồng hơn cha mình, vốn có đầu óc thực tế và có khả năng phân tích tốt. Trước khi tôi chuyển sang Mỹ, cha mẹ tôi đã cảnh báo rằng tôi cần quản lý tiền bạc một cách cẩn thận. Tôi gặp khó khăn về tài chính đúng lúc cha mẹ tôi chuẩn bị sang Mỹ để tham gia công việc với tôi. Tôi cũng sợ mọi người nghĩ rằng cha mẹ tôi đến để cứu tôi, đứa con trai không chân không tay của họ - tiền thì không có!

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn bởi tôi đã nhận một trong những người em họ của tôi vào làm ở công ty Attitude Is Altitude để cậu ấy học cách khởi nghiệp. Tôi sợ rằng cậu ấy sẽ nghĩ rằng cậu học việc ở công ty của một kẻ thất bại.

Những ý nghĩ tiêu cực đó thật khó chịu đựng. Nỗi sợ thất bại và trở thành gánh nặng mà trước kia tôi cảm thấy giờ đây lại tấn công tôi dồn dập như một bầy ong giận dữ. Tôi đã làm việc cật lực, và với việc xuất bản cuốn sách đầu tay, cuối cùng tôi đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Thế mà ánh sáng đó đang tắt lịm.

Đón đọc kỳ 4: Những ngày u ám

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Xem nhiều nhất

Thể loại

Được tạo bởi Blogger.

Các bài đăng

About

- Copyright © Trang Giải Trí Tổng Hợp -timgicodo- Powered by timgicodo - Designed by Join Canedy -