- Back to Home »
- xa-hoi »
- Di chuyển chợ Nhà xanh: Tiểu thương như ngồi trên lửa
Sau hàng loạt kiến nghị gửi tới UBND quận Cầu Giấy về kế hoạch chuyển chợ Nhà Xanh vào dịp Tết Nguyên đán, ngày 20-1-2014, lãnh đạo quận đã tổ chức cuộc họp với bà con tiểu thương để cùng tháo gỡ vướng mắc.
Chợ Nhà Xanh cũ và chợ Nhà Xanh mới
Cần công khai, minh bạch
Tại cuộc họp hàng loạt câu hỏi đã được bà con tiểu thương đưa ra như: Tại sao không tổ chức một khu chợ mang tính ổn định lâu dài mà lại chuyển từ "chợ tạm" này sang "chợ tạm" khác? Việc chuyển chợ không để vào dịp khác mà lại chọn đúng dịp cận Tết, thời điểm người dân có nhu cầu mua bán nhiều nhất? Tại sao chợ mới chưa được phê duyệt về PCCC mà đã ra thông báo sẽ cắt điện nước tại chợ cũ? Đại diện các tiểu thương chợ Nhà Xanh cho rằng, kế hoạch di chuyển chợ cần phải thông báo trước 6 tháng để họ có thời gian chuẩn bị, hơn nữa trong việc di chuyển chợ lần này sẽ thay đổi chủ thể quản lý chợ từ nhà nước sang tư nhân. Đây là vấn đề "nhạy cảm" bởi một phần lợi nhuận lớn từ nguồn thu của chợ sau này sẽ chuyển thẳng vào túi tư nhân, tạo nên nhiều dị nghị, nghi vấn trong việc cháy chợ bất thường. Bà con cũng đề nghị UBND quận cung cấp đầy đủ hồ sơ Dự án cải tạo đường Phan Văn Trường, hồ sơ Dự án xây chợ Nhà Xanh mới để xác định năng lực của chủ đầu tư và đặt vấn đề về việc cần thiết xây dựng nâng cấp chợ Nhà Xanh lên thành chợ loại 2, giúp bà con kinh doanh ổn định.
Trả lời những nội dung trên, ông Trần Việt Hà - Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, chợ Nhà Xanh là "chợ tạm" thuộc quản lý của UBND quận. Vì là "chợ tạm" nên khi có dự án của thành phố thì buộc phải di dời. Thậm chí nếu không bố trí được nơi di chuyển thì chợ còn có thể bị "xóa" bởi hiện nay quận không có quỹ đất để bố trí làm chợ mới. Theo ông Trần Việt Hà, do chợ Nhà Xanh liên quan đến đời sống của nhiều tiểu thương nên UBND quận đã phối hợp với HTX Nông nghiệp Dịch Vọng Hậu dựng chợ mới để bà con có địa điểm kinh doanh. Còn về yêu cầu nâng cấp chợ loại 2 thì rất khó thực hiện với lý do chợ Nhà Xanh không nằm trong quy hoạch của thành phố và quận không có quỹ đất.
Chợ tạm hay chợ truyền thống?
Không đồng ý với cách trả lời của Phó Chủ tịch quận Cầu giấy, Luật sư Trần Đình Triển, người được bà con mời làm đại diện pháp lý khẳng định: chợ Nhà Xanh không phải là chợ tạm mà khu chợ này đã tồn tại từ 30 năm nay, lịch sử hình thành và phát triển của chợ gắn liền với nhu cầu thực tế của dân sinh trong khu vực.
Cách gọi chợ tạm là do trước đây UBND quận Cầu Giấy di chuyển chợ Nhà Xanh từ đường 32 về đường Phan Văn Trường. Nay chỉ vì chợ đặt "tạm" trên lòng đường nên gọi "chợ tạm" là sai bản chất vì thực tế đây là chợ truyền thống. Về lý do chợ không có trong quy hoạch của UBND Thành phố nên không thể nâng cấp thành chợ loại 2, ông Triển cho rằng lãnh đạo quận trả lời như vậy là không thỏa đáng.
Chợ Nhà Xanh là chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân trong khu vực thì UBND quận Cầu Giấy có trách nhiệm thay dân làm tờ trình lên Thành phố xin bổ sung quy hoạch xây chợ. Không thể nói là không có trong quy hoạch thì không làm mà đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước cần phải thực hiện. "Tiểu thương chợ Nhà Xanh có quyền được ổn định kinh doanh và họ sẵn sàng đóng góp cùng với Nhà nước để xây chợ khang trang theo tiêu chuẩn. Điểm này cũng phù hợp với Nghị định 02 của Chính phủ, vừa giúp nhân dân ổn định kinh doanh, đảm bảo an toàn PCCC, lại tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Việc tốt cho nước, lợi cho dân như vậy tại sao UBND quận Cầu Giấy không làm mà chỉ vin vào mỗi lý do không có quy hoạch?" - ông Triển nói.
Đưa ý kiến kết luận buổi họp, ông Trần Việt Hà một lần nữa khẳng định Dự án cải tạo nâng cấp đường Phan Văn Trường chắc chắn sẽ triển khai và chợ Nhà Xanh sẽ phải di chuyển trong năm 2014. Vì vậy trong tháng 2, nếu các tiểu thương không thực hiện bốc thăm sang chợ mới thì sẽ mất quyền lợi và phải dành vị trí đó cho người khác. "Chúng tôi muốn có nơi buôn bán ổn định, lâu dài, muốn nguồn tiền thu được từ dân sẽ đóng góp vào ngân sách nhưng cũng bị từ chối. Kể cả khi quận không có quỹ đất công, nhưng nếu thực sự muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì lãnh đạo quận có thể bàn với HTX nông nghiệp Dịch Vọng Hậu lập dự án xây dựng chợ kiên cố, nếu HTX nông nghiệp Dịch Vọng Hậu không đủ năng lực tài chính để đầu tư thì có thể cùng huy động sự đóng góp của tiểu thương. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp. Tiếc rằng nguyện vọng này của bà con đã không được đáp ứng" - bà Nguyễn Thị Xuân Nga, chủ ki-ốt 36B nói.