Posted by : admin 02 tháng 1, 2014

Từ bức ảnh cũ đã khiến mối liên hệ giữa hai nhà lãnh đạo trở nên khăng khít hơn và nhiều thỏa thuận đã đi đến thống nhất. Đó là câu chuyện về phía sau bức ảnh mà tân Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa được hé lộ.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới đây đã tiết lộ câu chuyện đằng sau bức ảnh chụp chung giữa ông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi hai bên bước vào hội đàm chính thức.

Phó Thủ tướng cho biết, cách đây hai mươi năm, khi ông còn là sinh viên đang theo học thạc sĩ tại Trường Fletcher về luật và ngoại giao (Mỹ), ông cùng hai người bạn học Việt Nam khác trong trường đã có mặt tại một buổi nói chuyện của John Kerry - khi đó vẫn là thượng nghị sĩ bang Massachusetts.

Cuối buổi, ba sinh viên Việt Nam đề nghị được chụp ảnh chung với thượng nghị sĩ. Tấm ảnh có mặt cả ba chàng sinh viên, John Kerry và một người Mỹ nữa có mặt ở buổi hôm đó.

Tấm ảnh ấy nằm yên trong các tài liệu lưu trữ của ông Phạm Bình Minh suốt 20 năm cho đến một hôm ông tình cờ thấy lại. Trước khi lên đường dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Brunei tháng 7/2013, ông cho chụp lại, phóng to, đóng khung và mang theo để làm quà tặng Ngoại trưởng Kerry.

Vị ngoại trưởng đã vô cùng bất ngờ và thích thú khi bắt gặp hình ảnh mình hai mươi năm về trước.



Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tặng Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bức ảnh chụp hình hai người trong một buổi họp song phương tại Mỹ ở nhà khách chính phủ. Ảnh: TTO

Chính lúc Ngoại trưởng Mỹ đang vừa xem ảnh, vừa trò chuyện vui vẻ thì một phóng viên của Hãng Associated Press (AP) đã chụp lại toàn cảnh bàn hội đàm của hai vị ngoại trưởng từ phía sau lưng ông Kerry.

Tấm ảnh này của AP cuối cùng lại trở thành món quà "đáp lễ" của Ngoại trưởng Kerry, được ông mang theo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 12 vừa qua để tặng lại cho ông Phạm Bình Minh trước khi hai bên ngồi vào bàn hội đàm, mà kết quả là hai bên thống nhất sẽ thành lập Trường đại học Fulbright tại Việt Nam, Mỹ tài trợ 5 tàu tuần tra...

Không hẹn, những bức ảnh từ cũ đến mới đã trở thành mối liên hệ giữa hai người lãnh đạo.

Ý nghĩa giáo dục từ chiếc USB

Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết trung ương 8 và Tổng kết năm học 2012-2013 vừa tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi nói chuyện chia sẻ câu chuyện cũ đầy ý nghĩa.

Câu chuyện có ý hướng tới sự hội nhập và chuẩn quốc tế được Phó Thủ tướng minh họa bằng chính chiếc ổ điện và USB mà ông mang theo sẵn bên mình.

Lấy ổ cắm đa năng và một chiếc USB từ trong chiếc túi nhỏ, Phó Thủ tướng kể, ngày xưa, kinh tế khó khăn nên đi công tác nước ngoài phải mang theo bàn là để tự ủi quần áo. Nhưng có những lần không thể cắm điện được vì ổ không vừa.

Sau đó ông và bạn bè nghĩ ra cách phải mang theo ổ điện, có lần bị chập điện, ngắt cầu chì, nhân viên khách sạn phải chạy lên sửa chữa. Sau này, ổ điện mang theo dần dần được cải tiến, nhỏ hơn rồi bây giờ đã có ổ cắm đa năng. Ngoài ra, một thiết bị nhỏ gọn mà Phó Thủ tướng thường mang theo là chiếc USB có thể cắm vào bất cứ thiết bị nào.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi nói chuyện

"Nói như vậy để thấy rằng hội nhập rất quan trọng. Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học phải đưa về chuẩn theo hướng quốc tế, đào tạo ra những công dân toàn cầu. Tất nhiên để làm được như vậy phải có lộ trình, nhưng phải thực hiện với tinh thần quyết liệt, khoa học.

Chậm không có nghĩa là chắc, khẩn trương không có nghĩa là ẩu. Nếu xách một xô nước đi từng bước đã khó, giờ chạy theo người khác còn khó hơn, nhưng chúng ta phải cố gắng làm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ ví dụ dễ hiểu, Phó Thủ tướng muốn nói tới quyết tâm về sự đổi mới giáo dục. Theo ông, trước hết giáo dục phải xem lại cả hệ thống, đánh giá thực trạng, xem mình đang ở đâu, mạnh điểm nào, yếu điểm nào.

"Cái dễ thấy nhất là tên gọi các trường đại học thì không có nước nào như Việt Nam. Trường nào cũng thi nhau University, nâng cấp trường cao đẳng lên đại học cũng dùng University.

"Ngay tên gọi đã chẳng đâu vào đâu thì sao có thể hội nhập và đòi sinh viên được công nhận trên thế giới", ông nói và dẫn chứng, phần lớn học sinh Việt Nam sang nước ngoài chỉ được chấp nhận vào những trường có thứ hạng rất thấp.

"Chúng ta đều nhận thấy phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Không phải xóa hết cái cũ, nhưng những cái không còn phù hợp với tình hình mới nếu không thay đổi sẽ không thể phát triển. Tuy nhiên, giáo dục liên quan đến mọi người dân, một thay đổi nếu không phù hợp liên quan đến cả một đời người và nhiều năm với dân tộc. Vì vậy, đổi mới phải quyết liệt nhưng cần trí tuệ, bình tĩnh, không câu dầm để kéo lui", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Xem nhiều nhất

Thể loại

Được tạo bởi Blogger.

Các bài đăng

About

- Copyright © Trang Giải Trí Tổng Hợp -timgicodo- Powered by timgicodo - Designed by Join Canedy -