- Back to Home »
- xa-hoi »
- Lạ lùng những ông thần súng
Posted by : admin
17 tháng 1, 2014
Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có chuyện lạ kỳ, súng được phong tướng - phong thần và được cắt quân binh túc trực bảo vệ.
Vì là thần nên những ông thần súng được hưởng bổng lộc hẳn hoi, được quân hầu ngày đêm dâng hương khói và đến kỳ đến hạn thì được cúng phẩm vật với "tam sên". Là tướng nhưng kỳ lạ làm sao, các ông thần súng chưa từng tùng chinh cùng các vị tướng lĩnh khác nơi chiến trường. Có tư liệu còn cho rằng "các thần chưa có lấy một lần... khạc đạn".
Ngày nay người ta có thể gặp những vị thần - tướng nhuốm sắc màu hư hư thực thực ấy trong phạm vi nội thành Huế, ở mé bên này Tử Cấm Thành, lối vào cung vàng điện ngọc của các vị vua xưa. Được biết đến với tên gọi "Cửu vị thần công", 9 vị thần súng ẩn giữ trong mình vô số bí mật của triều Nguyễn một thời, nổi bật nhất có lẽ là cái lần cả 9 vị suýt bị quân viễn chinh Pháp "phanh thây"... bán đồng nát!
Oai linh của súng được phong thần
Có "tuổi đời" hơn 200 năm, Cửu Vị Thần Công được bảo quản trong tình trạng khá tốt. Trên thân mỗi vị thần súng này được khắc những câu chữ Hán nói rõ trọng lượng, kích cỡ cùng chỉ dẫn về những cuộc tập dượt mà mỗi vị phải trải qua cũng như những điều kiện bất khả thi mà khi cần thiết, các vị thần súng mang "quân hàm" tướng này phải ra trận. Trên đầu nòng và chỗ nạp ngòi súng được khắc hoa văn uốn lượn tinh xảo cùng bản văn bằng chữ triện nhắc đến lịch sử ra đời của các vị thần súng oai vệ này.
Cả 9 vị thần súng được đặt trên giá súng bằng gỗ lim, mỗi giá súng nặng khoảng 900kg, được đặt trên 4 bánh xe, được chạm lọng khéo léo với hình ảnh những con mãnh long uốn lượn giữa những đám mây. Cần nói rõ, rồng được khắc trên giá súng là rồng 5 móng - biểu tượng của nhà vua, với móng thứ 5 ngược chiều với 4 móng còn lại.
Một số tư liệu ghi rằng trong các lần giao tranh với quân Tây Sơn, nhờ sức mạnh của súng thần công mà Vua Gia Long đã giành thắng lợi trong các trận đánh lớn. Nên khi thống nhất giang san, bên cạnh việc đánh dấu cho sức mạnh và sự trường tồn vương triều của mình, Gia Long cho đúc Cửu Vị Thần Công còn nhằm mục đích sử dụng khi đất nước có binh biến.
Việc đúc súng diễn ra vào cuối tháng 1/1803 và đến cuối tháng 12/1804 hoàn tất. Với tên gọi Xuân, Hạ, Thu, Đông, Kim, Mộc, Hỏa, Thổ, Thủy (theo thứ tự từ 1 đến 9) và khối lượng khổng lồ (dao động từ 17.100kg - 18.800 kg, chiều dài súng đồng nhất 5,1m), không chỉ được Vua Gia Long phong tướng là Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân, thời Minh Mạng, Cửu Vị Thần Công được phong tước "Thống lĩnh" quân đội, uy dũng ngang hàng với thần linh.
Cửa Ngăn - nơi dẫn vào nơi các vị thần súng.
Trong các tư liệu về sự ra đời của các vị thần súng, tôi chú ý đến chi tiết: Năm Quý Hợi 1803, vào mùa Xuân, vua cho tuyên bố chỉ dụ thu lượm tất cả những đồ đồng cũ nấu chảy để đúc thành 9 khẩu súng cỡ rất lớn, đó là các khẩu thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín này. Chín khẩu đại bác lớn cùng làm một lần. Vào tháng Chạp, thợ đúc súng tâu báo rằng công việc đã hoàn tất. Một đặc chỉ sai khắc minh văn này để ghi việc. Niên hiệu Gia Long năm thứ 3, tháng Ba.
Vua chiến trường...
Khi được phong tướng phong thần, ở thời hoàng kim (khi triều đình nhà Nguyễn chưa bị Pháp tấn công đánh chiếm - PV) thì Cửu Vị Thần Công rất oai linh, được giới quan võ lẫn quan văn sùng kính, ai đi qua cũng phải ngả nón cúi chào như một vị thánh hoàng.
Theo tác giả Dương Phước Thu, sau khi đúc xong Cửu đỉnh và cho khắc hình tượng đại pháo trên Cao đỉnh, với quan niệm Cửu Vị Thần Công như các vị linh thần vệ quốc nên sĩ tử, nhiều quan văn quan võ trước hội thi hoặc khi sắp vâng lệnh vua ra chiến trường thường sắm lễ vật để dâng lên các vị thần súng mang hàm tướng này những mong các thần phù hộ cho được may mắn đỗ đạt, thăng tiến nhanh trên con đường binh nghiệp, cũng như che chở cho mình thoát khỏi đường tên mũi đạn, sớm lập đại công đại thắng quân thù...
Giáo sư H. Lebris người Pháp trong bài đọc về các súng thần công ở Kinh thành Huế tại cuộc họp vào năm 1914 có đoạn nhắc về sự linh thiêng đến không ngờ quanh 9 khẩu đại bác được Vua Gia Long phong tướng, sánh ngang hàng với thần linh: "Có nhiều kẻ lâm bệnh đã đến và cúng rượu, trầu và giấy vàng bạc khấn lạy nhờ ơn Cửu Vị cứu sống. Bệnh tật chắc sẽ qua nếu không quên buộc ở họng súng chùm hoa vàng và khi đã hoàn toàn khỏi bệnh thì người ta đến tạ thần công bằng cúng cơm thịt gà giò, chuối".
Họa tiết trên thân và giá súng.
Bài đọc của Giáo sư H. Lebris gần 100 năm trước còn nói thêm sự mầu nhiệm khác của Cửu Vị Thần Công rằng, Cửu Vị có thể hòa giải cho các gia đình ly hôn và những người giữ gìn súng khấn vái hai lần trong tháng để cho an khang vạn hộ gia đình.
Cũng theo H. Lebris, vì giữ trọng trách bảo vệ cho triều vua nên Cửu Vị không phải ra trận tuyến: "Khi các đơn vị quân lính thắng trận thì cửu vị được cúng bái. Nhưng khi bại trận thì các khẩu súng đại bác khác (cùng cỡ với Cửu Vị Thần Công - PV) bị khiển trách và hạ cấp".