Posted by : admin 03 tháng 1, 2014

Trồng cây, nạo vét hồ trong hành lang an toàn lưới điện khiến công tác bảo vệ quản lý của truyền tải điện Ninh Bình gặp nhiều khó khăn.

Truyền tải điện Ninh Bình là một trong những đơn vị quan trọng có nhiệm vụ quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện 220 - 500kV khu vực tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình. Phụ trách đến 5 trạm biến áp (1 trạm 500 kV tổng dung lượng 450 MVA, 4 trạm biến áp 220 kV tổng dung lượng 1.025 MVA); 8 đường dây 220 kV tổng chiều dài 203,54 km và 4 đường dây 500 kV tổng chiều dài 74,14 km, đi qua địa bàn 5 tỉnh rộng lớn nên khâu quản lý, bảo vệ đường dây của cán bộ truyền tải Ninh Bình gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn tuyến đường dây do truyền tải điện Ninh Bình phụ trách còn một số điểm nóng chưa giải phóng được hành lang an toàn lưới điện.

Tại khoảng cột 676 - 677 đường dây 500kV đi qua xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nhiều cây lưu niên của gia đình ông Bùi Văn Lâm đã vi phạm khoảng cách an toàn với dây dẫn. Theo quy định (điểm C, khoản 1, điều 5 của Nghị định 106/2005/NĐ-CP) khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất không được nhỏ hơn 6m. Tuy nhiên, các cây trong khu đất của gia đình ông Lâm có ngọn chỉ cách dây dẫn thấp nhất 4,5 - 6m.



Nhiều cây lưu niên tại khoảng cột 676 - 677 đường dây 500kV đi qua xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vi phạm khoảng cách an toàn tới dây dẫn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chia sẻ về hướng giải quyết sai phạm trên, ông Đỗ Đình Dũng, phó phòng kỹ thuật truyền tải điện Ninh Bình cho biết, đơn vị đã nhiều lần vào vận động gia đình ông Lâm cho phép chặt cành, tỉa ngọn hoặc chặt cây đi nhưng không nhận được sự đồng ý. "Ông Lâm chỉ cho xử lý các cây này khi đền bù 4.000.000 đồng một cây. Đây là mức cao hơn rất nhiều lần so với đơn giá hiện hành của UBND tỉnh Ninh Bình nên truyền tải điện không thể thực hiện đền bù trái quy định", ông Dũng cho biết.

Đến nay, sau 5 từ khi phát hiện, sai phạm ở nhà ông Lâm vẫn chưa được giải quyết.

Cùng trong khoảng cột này, gia đình ông Bùi Quang Phi ở thôn 5, xã Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình cũng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Không chỉ trồng mới các cây keo ở diện tích đất đã được Truyền tải điện Ninh Bình đền bù, ông Phi còn xây dựng cầu thang nhà ở, để tồn tại công trình phụ có người sinh sống trong hành lang đường dây. Để đảm bảo tính mạng người dân, đường dây, các cán bộ truyền tải đã liên tục vận động, làm việc với địa phương, gia đình ông Phi nhưng sai phạm chưa được xử lý.

Đường dây 220kV Phủ Lý - Nho Quan được xây dựng năm 1985 và đưa vào vận hành năm 1987 là đường dây rất quan trọng cung cấp điện cho các phụ tải của tỉnh Hà Nam và một phần của khu vực thành phố Hà Nội. Trên khoảng cột 104 - 108 thuộc địa bàn thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam của đường dây này, đơn vị thi công dự án các công trình trọng điểm của tỉnh Hà Nam đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.



Việc đắp bờ bao của hồ để tích nước làm hồ nhân tạo, dẫn đến toàn bộ các vị trí cột từ 104 - 108 đường dây 220kV Phủ Lý - Nho Quan bị ngập nước từ 1,5 - 4m gây nguy cơ han rỉ bu lông, thanh giằng, tăng đơ và hệ thống dây néo. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cụ thể, đơn vị thi công đã đắp bờ bao của hồ để tích nước làm hồ nhân tạo, dẫn đến toàn bộ các vị trí cột từ 104 - 108 đường dây 220kV Phủ Lý - Nho Quan bị ngập nước từ 1,5m đến 4m. Điều này khiến bu lông, thanh giằng, tăng đơ và hệ thống dây néo cột ngập trong nước có nguy cơ bị han rỉ, ăn mòn, không đảm bảo chịu lực, có thể dẫn tới sự cố đổ cột làm ngừng giảm cung cấp điện cho vùng rộng lớn. Ngoài ra, việc nạo vét lòng hồ trong và gần hành lang lưới điện gây nguy cơ sụt, lún móng cột, móng hệ thống dây néo bảo vệ cột và vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện đối với cấp điện áp 220kV.

Trong khi chờ dự án mạch 2 chưa biết bao giờ khởi động, truyền tải điện Ninh Bình vẫn tìm mọi cách đảm bảo vận hành an toàn như: làm biển báo trong khi thi công, khi nước dâng...

Các hành động của cán bộ truyền tải làm để đảm bảo an toàn lưới điện trê, theo ông Dũng chỉ là phương án tạm thời. Phó phòng kỹ thuật truyền tải điện Ninh Bình cho rằng, quan trọng là xử lý triệt để vấn đề và điều này phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của chính quyền, các cơ quan có liên quan.

"Nhiều điểm nóng có thể xử lý xong sớm nếu địa phương cùng vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, dứt khoát hơn. Sự phối hợp còn chưa tốt của chính quyền, các cơ quan liên quan chính là một khó khăn lớn truyền tải điện Ninh Bình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao", ông Dũng trăn trở.

Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Xem nhiều nhất

Thể loại

Được tạo bởi Blogger.

Các bài đăng

About

- Copyright © Trang Giải Trí Tổng Hợp -timgicodo- Powered by timgicodo - Designed by Join Canedy -