- Back to Home »
- Review phim »
- Insidious 2: Trải nghiệm cảm giác bất an đến tột độ từ đầu tới cuối phim
Vẫn là câu chuyện xoay quanh gia đình nhà Lambert với bối cảnh là căn nhà đầy hồn ma của họ, nhưng phần 2 Insidious lại kể một câu chuyện mới với một thông điệp khác. Còn người xem thì cứ thế trải nghiệm cảm giác bất an đến tột độ từ đầu tới cuối phim…
Nối tiếp vào cái kết mở của phần 1, lúc này vợ chồng Renai (Rose Byrne) – Jossh Lambert (Patrick Wilson) đã có thêm một cô con gái nhưng những thế lực ma quỷ vẫn tiếp tục bám đuổi họ. Nhà Lambert vì thế phải gồng mình tranh đấu để giành giật sự sống với những hồn ma, qua đó họ đưa khán giả đi đến cùng sự thực, giải đáp trọn vẹn những câu hỏi vẫn còn lơ lửng từ phần 1.
Sau tác phẩm mới nhất The Conjuring, James Wan-đạo diễn trẻ người Malaysia- một lần nữa chứng tỏ tài năng của mình khi không để áp lực từ khoản lợi nhuận khổng lồ gần 100 triệu USD của phần 1 Insidious phủ bóng. Insidious 2 vẫn giữ được sự rùng rợn chuyển động trong một không khí xưa cũ. Phim về chủ đề ma quỷ, nhưng cái tài của đạo diễn là không dùng đến những tạo hình kinh dị, máu me mà vẫn khiến người xem khó thở, ám ảnh ngay cả khi đã bước chân ra khỏi rạp.
Những tiếng gió rít nặng trĩu, chuyển động của cánh cửa hay tấm rèm kết hợp với tiếng khóc trẻ con, âm thanh ồn ã từ chiếc xe đồ chơi hay u uất từ cây đàn piano, tất cả kết hợp vào nhau cùng những chuyển động chậm chạp trong ngôi nhà cổ đủ để những sợi dây thần kinh của khán giả bị thử thách cao độ. Chính bởi những thứ sắp đặt tưởng như đơn giản ấy mà người xem không biết “con ma” sẽ xuất hiện khi nào và khiến rất nhiều người xem yếu bóng vía bị căng thẳng không dám nhìn cảnh tiếp theo. Insidious 2 thành công trong việc “dọa ma” bởi đánh đúng vào nỗi sợ hãi từ trong tiềm thức- sợ vì chưa biết thứ đáng sợ ấy nó thế nào.
Parker trong hình hài con quỷ
Phim kinh dị làm cho khán giả sợ đã là một thành công, nhưng điều đáng kể hơn ở Insidious 2 chính là cách kể chuyện vô cùng chặt chẽ, liền lạc với phần trước đó. Những thế lực ma quỷ xuất hiện ở phần 2 thực ra vẫn là những gì ở phần 1. Nhưng ê kíp làm phim đã rất sáng tạo khi vẽ ra chân dung rõ ràng của ác quỷ và thế lực đứng đằng sau một cách cực kỳ logic. Một bức tranh về cõi âm được dựng lên với những nét rất đời, từ căn phòng giấu xác cô dâu tới cái cách con quỷ trang điểm ngọt ngào trước khi “gây án”…
Mẹ con nhà Parker
Nhưng hơn tất cả, điều đáng kể nhất mà James Wan và ê kíp của Insidious 2 làm được ấy là chuyển tải thông điệp đầy nhân văn qua một thể loại phim “chả liên quan”. Thông điệp ấy đã lờ mờ xuất hiện ngay từ đầu phim, khi Renai dù biết trong hình hài của Jossh Lambert có thể là một con quỷ nhưng vẫn quyết ở bên chồng mình trong cái ngôi nhà “nhìn đâu cũng thấy ma”. Cả gia đình nhỏ bé ấy, từ bà mẹ, 2 vợ chồng Renai-Jossh Lambert, đến những đứa con không lúc nào xuất hiện ý định trốn chạy. Ngay cả lúc Renai biết chắc chắn trong thân xác Jossh là con quỷ, cô vẫn cùng mẹ và các con chiến đấu để “giữ chặt những gì mình yêu nhất”…
Gia đình nhà Lambert
Cái “kiếp nạn” suốt 2 phần của Insidious hóa ra lại nằm gọn trong thông điệp trên. Người đàn bà không giữ được chồng (con quỷ già) đã trở nên căm thù đàn ông tới mức bắt đứa con trai duy nhất phải mang hình hài một đứa con gái. Cậu bé Parker vì mất đi cả tuổi thơ của mình nên khi chết đi thành vong hồn cứ mải miết tìm lại ký ức. Con quỷ ấy, dưới sự sai khiến của bà mẹ, đã giả trang đi giết rất nhiều người để mượn thân xác họ mà tồn tại trong hành trình tìm lại bản ngã của mình.
Bằng cách “Giữ chặt những gì quý giá nhất”, gia đình Lambert đẩy lui được mọi thế lực của bóng tối. Triết lý có vẻ hơi sến ấy thực ra cũng có nhiều điều để ngẫm ngợi sau khi tim đập, chân run bước ra từ phòng chiếu phim.
Read more »